Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Mạn đàm về Phong thủy

Nói đến Phong thủy thì hầu như ai ai cũng biết, nhưng để hiểu đúng, nhận thức đúng về nó thì hầu như mọi người đều không rõ và không quan tâm. Hiện nay tài liệu và sách viết về Phong thủy thì nhiều vô kể, ra hiệu sách ta có thể dễ dàng mua một quyển về đọc tham khảo, nhưng rất ít người đọc nhận được ra một điều rằng liệu những nội dung viết trong sách đó có đúng hay không. Có rất nhiều sách viết về các trường phái khác nhau trong phong thủy, mỗi sách lại viết một cách khác nhau. Trên các trang web thì có rất nhiều các bài viết về phong thủy được xào xáo copy lại của nhau, người đọc cứ đọc và cho nó nghiễm nhiên là đúng. Rất nhiều các kiến trúc sư biết về phong thủy một cách hời hợt, họ chỉ cần đọc qua một vài quyển phong thủy ứng dụng rồi đi thiết kế cho khách hàng để đi kiếm cơm mà không rõ kiến thức của mình là đúng hay sai. Hiện nay với nhiều trường phái phong thủy khác nhau và nhiều bài viết tam sao thất bản trên mạng làm cho Phong thủy trở nên huyền bí và mang màu sắc mê tín dị đoan. Nhiều người phụ thuộc và ứng dụng phong thủy một cách khiên cưỡng có khi làm hỏng cả một không gian kiến trúc công trình. Ví dụ như có người đặt hướng bếp và hướng bàn thờ phải đúng bao nhiêu độ khi xem trong sách dẫn đến nhiều trường hợp bếp và bàn thờ được đặt lệch và chéo với tường nhà trông rất chông chênh mất mỹ quan cũng như khó khi sử dụng. 
       Người xưa có câu "Chim có tổ, người có tông", do vậy, muốn tìm hiểu về phong thủy ta phải xem xét đến lịch sử hình thành và cội nguồn của có. Người đọc phải luôn đặt câu hỏi rằng tai sao lại là như thế, không thể chỉ chấp nhận một cách mơ hồ rằng theo quan niệm phòng thủy thì thế này thì thế kia. Trong Phong thủy có hai sơ đồ gọi là Hà Đồ và Lạc Thư là hai cái quan trọng khi nghiên cứu về Phong thủy, nó giải thích cho ta câu hỏi tại sao lại là như thế. Hầu hết người dân Việt Nam khi hỏi đều cho rằng Phong thủy bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng không phải bạn ạ. Phong thủy chính là môn khoa học có từ thời vua Hùng của người Việt Nam chúng ta. Chúng ta nên tìm hiểu để biết về cội nguồn và tự hào về cha ông chúng ta.
       Ở đây tôi không bàn một cách chi tiết về vấn đề này mà chỉ xin giới thiệu với các bạn một trang web : http://www.lyhocdongphuong.org.vn để các bạn vào đọc và tìm hiểu. Trong trang web này các bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết và sách của tác giả Nguyên Vũ Tuấn Anh nói về Phong thủy Lạc Việt, có rất nhiều bằng chứng xác thực được đưa ra chứng minh Phong thủy bắt nguồn từ Việt Nam.
        Các nguyên lý xem tướng, xem sao, địa lý phong thủy có từ rất sớm. Theo truyền thuyết của các nhà chiêm tinh học thì nguyên lý đó có từ thời thái cổ, đồng thời với sự hình thành của trời đất, vũ trụ. Quan điểm của Phật giáo là không khẳng định, không phủ định thuật xem số mạng và phong thủy. Những thuật ấy cũng có một số đạo lý nhưng không phải là đạo lý tuyệt đối, có thể tin nhưng không mê tín, cũng có thể không tin, mà không tin cũng không gây ra tai nạn lớn gì. Đức Phật Thích Ca cấm các đệ tử không được làm các thuật xem sao, xem địa lý, bói toán, nhưng cũng không phản đối sự tồn tại của các môn thuật đó.
        Còn địa lý phong thủy là dựa vào ảnh hưởng của vị trí các thiên thể và vị trí địa lý mà quyết định ảnh hưởng tốt hay xấu, lợi hay hại đối với con người. Đó là thuộc về tự nhiên và cũng có ý nghĩa thường thức. Thuận với tự nhiên là được thiên thời là có lợi, trái với tự nhiên là bất lợi. Đó là khoa học tự nhiên, là môn học mà triết gia gọi là hình nhi hạ.
        Hiện nay, người ta lại dùng các căn cứ khoa học từ trường, từ lực để giải thích các nguyên lý về địa lý và phong thủy. Điểm tập trung của từ lực, phương vị thuận của từ trường, có lợi đối với thân thể con người, cũng như đối với trạng thái tinh thần của con người. Ngược lại là không lợi.
Trong phong thủy, thì phong là không khí, là hoạt lực đến không trung còn thủy là nước là hoạt lực từ dưới đất, cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật. Có sự phối hợp của phong thủy, thêm vào là vị trí địa lý thuận lợi để hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, phải chăng đó chính là ba yếu tố của sinh mạng là ánh sáng mặt trời, không khí và nước ?
Ông Lý Dị Nồng, nhà địa lý học trứ danh đã nói phải có sự phối hợp của 3 điều kiện là :
  1. Tích lũy phúc đức
  1. Tám chữ lúc sinh ra
  1. Địa lý phong thủy thì mới được phú quý và thọ mạng lâu dài. Cái gọi là 8 chữ lúc sinh ra là mạng lý có từ đời trước. Tích lũy phúc đức là sự tu dưỡng, cố gắng trong đời này, phong thủy địa lý chỉ là một trong ba yếu tố. Nếu vận mạng xấu mà tâm lại ác hành vi không chính đáng, phong thủy tốt thì dù cho tìm được vị trí địa lý, vị trí này cũng sẽ bị nạn lụt hay nạn động đất phá hoại. Ông Nông lại nói: "Ba phần phong thủy, bảy phần cố gắng". Ý muốn nói phong thủy phải cộng thêm sự cố gắng của con người để cải tạo hoàn cảnh. 
Theo quan điểm Phật giáo, địa lý, phong thủy tuy có đạo lý nhưng không phải là đạo lý quyết định.
Người xưa có bài thơ rằng:
         Phong thủy nhân gian bất khả vô,
         Toàn bằng âm chất lưỡng tương phò,
         Phú quý nhược tùng phong thủy đắc,
         Tái sanh Quách Phát giả nan đồ.
Nghĩa là phong thủy ở nhân gian chẳng phải không. Cũng có tốt có xấu nhưng mà phải nương vào phước đức (âm chất). Phước đức nhiều cộng thêm phong thủy tốt, cả hai góp sức nhau thì mới thành tựu được điều tốt. Nếu chỗ đất tốt mà người làm việc xấu ác thì cũng vô nghĩa. Câu kế nói phú quý nhược tùng phong thủy đắc nghĩa là giàu sang nếu từ phong thủy mà được, thì ông Tổ địa lý là Quách Phát dù có tái sanh trở lại, chỉ cho chúng ta chỗ đất tốt cũng không giàu sang phú quý được.
         Như vậy địa lý có thể có, nhưng phải cộng với đức hạnh tốt của mình. Đạo đức sâu dày thì mới thực hiện được địa lý tốt. Đạo đức không có thì dù địa lý tốt cũng không làm gì được cả. Đức hạnh mới là chánh, người có đức hạnh thì chỗ nào vừa ý là chỗ đó tốt. Người không có đức hạnh thì thấy chỗ đất tốt nhưng rồi
cũng không tốt. Như ngài Khổng tử có nói "Tâm còn chưa thiện - Phong thủy vô ích". Chúng ta thấy mọi sự việc, kể cả địa lý cũng tùy thuộc vào con người.
        Hiện nay, ở trong các đô thị thì đa số nhà cửa rất chật trội và không có đủ không gian để thiết kế theo Phong thủy. Do vậy, khi thiết kế chúng ta phải linh hoạt, cái nào áp dụng được thì áp dụng, cái nào không áp dụng được thì không khiên cưỡng và cũng không nên lo lắng về điều đó. Hãy dùng cái đức của mình để cải thiện cuộc sống của chính mình như người xưa có câu "Đức năng thắng số".

             

1 nhận xét :